Nhớ chợ xưa Hải Phòng
(By Alo Tour) Hải Phòng từ xưa đã có nhiều chợ lớn – những ngôi chợ cổ hàng trăm năm tuổi, là trung tâm buôn bán, trao đổi hàng hóa của cả một vùng rộng lớn. Nhưng trước sức mạnh tàn phá của thời gian và sức ép phát triển kinh tế mạnh mẽ ngày nay, những ngôi chợ cứ lần lượt biến mất, mang theo nó bao giá trị lịch sử và văn hóa, cùng với kí ức của nhiều thế hệ người Hải Phòng.
Chợ xưa còn lại chút này…
Theo nhà sử học Ngô Đăng Lợi, nguyên Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Hải Phòng, hiện nay ngôi chợ cổ duy nhất còn lại ở Hải Phòng là chợ Đại Hợp (xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy). Ngôi chợ đã trở thành một nét độc đáo của thành phố Cảng, bởi chợ cổ như vậy hầu như không còn ở nước ta. Chợ hình thành vào thời gian nào thì không ai rõ, ngay đến các vị cao niên trong vùng cũng chỉ biết rằng, khi họ sinh ra thì chợ đã có từ rất lâu rồi.
Chợ Đại Hợp xưa gọi là chợ Bát Xã (tức chợ của tám xã quanh vùng), họp hằng ngày chứ không theo phiên, mà ngày nào cũng đông vui tấp nập. Giống như nhiều chợ cổ Việt Nam thường nằm trên các trục giao thông thủy, bộ, chợ Đại Hợp từ xưa đã thuận lợi cho giao thương: chợ nằm bên trục đường lớn, lại gần cửa sông Văn Úc.
Những vị tiền bối trong vùng đến bây giờ vẫn còn nhắc mãi về thời chợ Bát Xã bán mua nhộn nhịp. Người mua kẻ bán khắp vùng kéo đến, từ Đồ Sơn, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo sang, Bàng La, Kiến Thụy… về, cũng có nhiều người mua hàng buôn đi các nơi. Ngày ấy, cách đây vài chục năm trở về trước, vào những ngày giáp Tết, chợ đông như hội, chen kín những con đường quanh khu vực. Những người mang sản vật của gia đình đi bán không có chỗ để ngồi.
Một góc chợ cổ Đại Hợp còn sót lại
Theo các chuyên gia sử học và kiến trúc, Đại Hợp là ngôi chợ có kiến trúc rất đẹp, điển hình của chợ quê Bắc bộ. Cũng như tất cả những ngôi chợ truyền thống Việt Nam, kiến trúc chợ Đại Hợp hết sức giản dị, thoáng, mở - một đặc điểm gắn liền với khí hậu nước ta.
Trước đây chợ gồm 4 dãy cầu chợ chạy song song dài hàng trăm mét, một quán chợ (đó là “Đại Lộc công quán” nổi tiếng một thời, nơi tiếp đãi những người khách đến thăm, chơi chợ). Những cầu chợ chỉ gồm những hàng cột đơn sơ đỡ lấy mái chợ - xưa lợp bằng rạ hay phên nứa, nay thay bằng ngói. Đầu hồi mỗi dãy cầu chợ, người xưa đều làm bức vách ngăn để cho những người ăn mày có chỗ trú qua đêm, tránh mưa gió. Chi tiết rất nhỏ này đã cho thấy tính nhân văn sâu sắc của người xưa trong kiến trúc giản dị của chợ cổ.
Chợ Đại Hợp ngày đó không chỉ nức tiếng vì mặt hàng phong phú đủ loại, hải sản tươi ngon tràn ngập mà còn hấp dẫn nhiều người bởi nhiều món ăn đặc sản đậm đà hương vị của vùng quê miền duyên hải. Đó là món bánh cuốn tôm he với bánh cuốn tráng mỏng, tôm bóc nõn làm nhân; cá thu, cá đé xiên nướng; món bún làm từ gạo tám ngon, ngâm lên men rồi lọc lấy tinh bột… Những món ăn cầu kỳ, tinh tế được làm ra từ bàn tay khéo léo đảm đang của những bà, những mẹ vùng quê.
Chợ xưa kia không chỉ là trung tâm thông thương buôn bán của cả vùng mà còn là nơi gặp gỡ, thông tin, giao lưu văn hóa của người dân. Chợ Đại Hợp xưa là nơi tụ hội của nhiều gánh hát xẩm từ khắp các nơi về đây. Rồi hát ca trù ở Đại Lộc công quán. Rồi người Kim Sơn, Kỳ Sơn, Tú Đôi quanh vùng đến hát đúm rất hay. Tất cả tạo nên một nét sinh hoạt văn hóa đẹp và lành mạnh trong đời sống người dân.
Khoảng năm 1940, ông Ngô Quốc Côn là nhà tân học gốc Nho học, làm tri phủ ở vùng này, trước cảnh ngôi chợ lâu đời với không khí sum vầy, dân cư đông đúc, mặt hàng phong phú, đã làm tấm bia ca ngợi vẻ đẹp của chợ. Rất tiếc tấm bia nay không còn.
Và nhiều hương vị ẩm thực đặc sắc của chợ cũng dần mất đi. Nhịp sống hiện đại khiến người ta có xu hướng làm những món chế biến nhanh, ăn nhanh. Bánh cuốn tráng bằng máy, bún thì làm “xổi” chứ không ngâm chờ lên men như xưa… Hải sản thì đem xuất khẩu hầu hết những thức “tinh hoa”, chợ không còn bán những con mực to bằng bàn tay hay những con tôm he to bằng ngón chân cái người lớn như ngày xưa nữa…
Chợ còn bị nhà cửa, đường giao thông thu hẹp diện tích. Sức tàn phá của thời gian và quá trình xây dựng mới của con người xung quanh chợ đã khiến chợ Đại Hợp xuống cấp nghiêm trọng. Nền chợ thụt xuống thấp hơn mặt đường đến nửa mét, mưa xuống thì lầy lội, dãy chợ dột tứ tung. Những rầm, cột, rui, mè… bị mối mọt dường như có thể sập xuống bất cứ lúc nào.
Nay ngôi chợ cổ hàng trăm năm tuổi đang được phá dỡ để chuẩn bị cho một trung tâm thương mại và một ngôi chợ mới hiện đại bằng bê tông mọc lên trên nền chợ cũ. Hiện còn một dãy cầu chợ cũ cho bà con buôn bán, chờ chợ mới. Bà con rất mong có thể giữ gìn góc chợ cổ còn lại, gọi là “chút vốn liếng ông cha”.
Bảo tồn và phát triển
Nhưng để có thể hài hòa giữa nhu cầu phát triển và bảo tồn là một bài toán khó. Và những người mong muốn lưu giữ vốn cổ cũng đành thất vọng trước sức ép phát triển kinh tế. Chợ Giá (xã Kênh Giang, Thủy Nguyên) là một ví dụ. Ngôi chợ nằm bên con sông Giá nên thơ này trước đây là trung tâm buôn bán lớn nhất của huyện Thủy Nguyên và các vùng lân cận. Các nhà khoa học cho rằng, chợ hình thành từ cuối triều Lý. Cách đây gần 20 năm, khi huyện có nhu cầu xây chợ mới, các nhà khoa học đã vận động địa phương giữ lại một góc kiến trúc chợ cổ. Góc chợ cổ tồn tại thêm được một thời gian, nhưng về sau cũng không giữ được.
Tương tự như chợ Giá, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, những chợ cổ khác dần nảy sinh nhiều bất cập về cơ sở hạ tầng, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường… Việc quy hoạch, xây dựng lại chợ trở nên cần thiết. Vì thế, nhiều ngôi chợ vùng có tính lịch sử, văn hóa vào bậc nhất ở Hải Phòng như chợ Đầm (Cấp Tiến, Tiên Lãng), chợ Hỗ (An Dương) Chợ Mõ (Ngũ Phúc, Kiến Thụy),… đều đã được xây mới khang trang.
Chút dấu xưa ở chợ Nam Am (Vĩnh Bảo)
Nhưng những nhà khoa học và những người nặng lòng với giá trị cổ truyền dân tộc thì cho rằng, các siêu thị, chợ bê tông ở đâu cũng giống nhau, và bị thiếu cái “hồn” của chợ - cái “hồn” từ trầm tích lịch sử, văn hóa bao đời của một ngôi chợ quê Việt Nam. Những chợ cũ có thể làm sạch, khéo léo nâng cấp nhưng vẫn giữ được khung kiến trúc cổ và sắp đặt lại cho phù hợp hơn với bối cảnh kinh tế, hơn là xóa sạch nó và xây mới một trung tâm thương mại hoặc chợ bê tông khép kín. Cũng có ý kiến cho rằng, nên để lại một góc kiến trúc cổ để làm điểm du lịch văn hóa, bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc… của cha ông – mà chợ Đại Hợp hiện nay đang rất cần được các nhà quản lý văn hóa xem xét.
Ngoài kiến trúc chợ cổ hầu như không còn bảo tồn được gì, rất may Hải Phòng vẫn còn lưu giữ được một phiên chợ cổ với tục lệ đẹp: đó là chợ Giải (xã Tiên Thanh, Tiên Lãng). Từ xa xưa đến nay, mỗi năm chợ chỉ họp một phiên vào ngày mùng 2 Tết, ngày mở chợ cũng là ngày hội làng. Đó là phiên chợ “buôn may bán rủi” (tương tự như chợ Viềng của tỉnh Nam Định). Người ta mang sản vật của nhà ra chợ bán lấy may chứ không tính toán, cầu lợi, tuyệt đối không bán đắt, lợi dụng người mua. Trong quá khứ, có thời gian tục lệ đẹp này bị mất đi thì nay đã khôi phục được và địa phương đang có nhiều nỗ lực giữ gìn.
Chợ không chỉ thuần túy là nơi giao thương mà còn là chứng nhân lịch sử, nơi chứa đựng những kí ức, văn hóa của nhân dân. Những chợ cổ cứ lần lượt mất đi, đến khi nhìn lại, chúng ta sẽ vô cùng tiếc vốn quý của tổ tiên…
Hân Minh
Công ty Cổ Phần Quốc tế ALO TOUR
Add: - Par 11-10 Vinhomes Imperia Hải Phòng
Website: www.DulichALOTOUR.com
Facebook: Du Lịch Alo Tour
Giấy phép: 31-0073/2023/SDL - GP LHNĐ
Vui lòng liên hệ: Mr.Lịch 0934.247.166
XIN CHÂN THÀNH CÁM ƠN QUÝ KHÁCH