Theo một chuyên gia sức khỏe thể thao ở Mỹ, chỉ 6 thìa nước cũng có thể giết chết một đứa trẻ. Đó là mối nguy hiểm mà các bậc phụ huynh rất đáng lưu tâm về hiện tượng đuối cạn.
 

Hè đến là dịp trẻ em dành thời gian vui chơi, đi bơi cùng gia đình và bạn bè. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm tai nạn đuối nước đe dọa đến tính mạng của con trẻ nhiều nhất. Ngoài đuối nước, mối nguy về chết đuối trên cạn cũng là vấn đề các bố mẹ cần phải lưu tâm, vì những triệu chứng của nó không xuất hiện ngay.

Trẻ có thể tử vong sau khi đi bơi về trong tình trạng bình thường

Trường hợp đuối cạn thương tâm của cậu bé 10 tuổi người Mỹ Johnny cách đây vài năm đến nay vẫn là hồi chuông cảnh báo đầy sức nặng về sự nguy hiểm của tình trạng này. Chị Cassandra không thể ngờ rằng lần đầu tiên đưa con trai đi bơi cũng là lần cuối cùng chị làm điều đó. Trong những phút đầu sau khi xuống bơi, cậu bé có uống phải một chút nước nhưng không hề cho thấy dấu hiệu đặc biệt nào về suy hô hấp. Sau đó, cậu bé gặp phải một sự cố khi đang bơi. Tuy nhiên, Johnny vẫn có thể đi bộ về nhà với chị gái và mẹ trong tình trạng hoàn toàn bình thường.    Chị còn tắm cho con và cho cậu bé vào phòng vì cậu nói mình buồn ngủ. Lát sau, khi vào kiểm tra, chị đã hét lên khi thấy bọt trắng đầy trên mặt con, người bạn của chị gọi to nhưng không thấy câu trả lời. Nỗ lực đưa cậu bé đến bệnh viện địa phương đã trở nên vô ích.
 

Mẹ Johnny vẫn không thể tin cậu bé có thể hoạt động bình thường khi phổi chứa đầy nước.
 

Ở Việt Nam, may mắn hơn Johhny, cậu bé Nguyễn Đăng Đan, 13 tuổi ở Bắc Ninh được cứu chữa thành công sau khi bị chẩn đoán phù phổi cấp do đuối nước. Khi đi chơi cùng các bạn, do không biết bơi, Đan chấp chới dưới nước và được một người lớn vớt lên để sơ cứu. Cậu bé hoàn toàn bình thường và thậm chí còn tự đạp xe về nhà 10 phút sau đó. Nhưng vài tiếng sau, gia đình đã phải vội vã đưa Đan đi cấp cứu ở bệnh viện Bạch Mai khi thấy cậu khó thở, ho và lịm dần. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán Đan bị phù phổi cấp tổn thương do đuối nước. Cậu bé được cho thở máy và điều trị kịp thời và may mắn chiến thắng hung thần đuối cạn.

Nguy hiểm rình rập từ chết đuối trên cạn

Đuối cạn hay chết đuối thứ cấp là hiện tượng xảy ra khi trẻ suýt bị chết đuối nhưng được cứu sống. Sau đó, trẻ vẫn tỉnh táo bình thường, vẫn có thể ăn uống, hoạt động và vui chơi. Lượng nước vẫn còn trong phổi có thể gây kích ứng, phù phổi rất nguy hiểm. Theo chuyên gia sức khỏe thể thao ở Mỹ, tiến sĩ Lewis Maharam, chỉ 6 thìa nước cũng có thể giết chết một đứa trẻ. Hiện tượng này có thể xảy ra vài phút, vài giờ hay thậm chí là 3 ngày sau khi bơi. Tiến sĩ Daniel Rauch, bác sĩ nhi khoa từ Trung tâm Y tế Langone, Đại học New York cho biết, các triệu chứng của đuối cạn không dễ nhận ra ngay và cũng dễ nhầm với các bệnh khác nên rất nguy hiểm, đòi hỏi bố mẹ không được chủ quan. Các triệu chứng đuối cạn gồm có:
 

- Khó thở

- Ho liên tục

- Mệt mỏi quá độ

- Nôn

- Sốt

- Cáu giận, tâm trạng thay đổi

- Lẫn lộn, mất phương hướng

- Mất kiểm soát ruột, bàng quan

- Nhợt nhạt

Đặc biệt, bố mẹ cần đặc biệt chú ý đến 3 biểu hiện đầu tiên, đó là 3 biểu hiện rõ nhất nhưng cũng dễ bị coi nhẹ nhất, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác.
 

  Các triệu chứng của đuối cạn rất khó phát hiện và chẩn đoán chính xác.

 

Những điều cha mẹ nên lưu ý để phòng tránh tai nạn đuối cạn

Tuy đuối cạn là một hiện tượng hiếm gặp, cha mẹ không nên chủ quan bỏ qua việc tìm hiểu các kiến thức về loại tai nạn này để hạn chế một cách tốt nhất các nguy cơ có thể xảy ra với con. - Nên cho trẻ học bơi một cách bài bản để có thể nắm vững các nguyên tắc phòng tránh đuối nước, có khả năng xử lý tốt hơn khi có sự cố xảy ra trong môi trường nước.   - Tuân thủ các quy tắc an toàn của bể bơi hay ở bờ biển khi cho trẻ đi bơi như mặc áo phao, bơi ở khu vực có độ sâu phù hợp.   - Luôn để mắt đến trẻ, không được lơ là chỉ 1-2 phút hoặc phó mặc con bạn cho các nhân viên cứu hộ.   - Sau khi đi bơi, nếu trẻ có các dấu hiệu trên phải lập tức đưa trẻ đến các cơ sở y tế để kiểm tra.   - Nếu khi bị bơi, trẻ suýt bị đuối nước nhưng trở về trong tình trạng bình thường, sau khi được sơ cứu vẫn nên đưa trẻ đến bệnh viện chụp phim để kịp thời phát hiện tình trạng bệnh, điều trị sớm, giảm thiểu nguy hiểm đến tính mạng.