- Một ngày đẹp trời, bạn bỗng dưng chẳng muốn học tập hay làm việc gì nữa, cũng chẳng muốn gặp ai mà chỉ muốn ngồi một mình...Tại sao?

Bỗng dưng… mất tinh thần
Những áp lực dồn nén trong học tập, công việc có thể là nguyên nhân gây “down mood“ (mất tinh thần) - Ảnh: Internet

Về lâu dài, những lúc bản thân rơi vào trạng thái mất tinh thần, không nên quá bất an, lo lắng mà việc cần làm trước tiên là nhận diện xem vấn đề nằm ở đâu. Liệu đó có phải là do công việc đều đặn gây nên sự nhàm chán, hay đó là do những dồn nén áp lực công việc, học tập, những mâu thuẫn trong quan hệ tình cảm, bạn bè, gia đình hay không?

ThS Cẩm Vân

Vậy là bạn đang rơi vào trạng thái “mất tinh thần” mà nhiều bạn trẻ vẫn gọi là “down mood”, “tuột mood” hay “không có mood”.

Người lạc quan vẫn bị “mất tinh thần”

Nói một cách dễ hiểu, khi “mất tinh thần”, người rơi vào trạng thái này sẽ không còn tâm trạng để làm bất cứ việc gì, cảm giác chán nản, không biết nguyên nhân do đâu.

Nhiều bạn trẻ rất lo lắng vì trạng thái cảm xúc khó hiểu này thường xuyên xuất hiện, làm ảnh hưởng khá nhiều đến kết quả học tập, làm việc. Nhiều người mất tinh thần khi bước vào mùa thi hay mùa cao điểm của công việc.

ThS tâm lý Vũ Cẩm Vân cho biết trước tiên cần hiểu rằng trạng thái cảm xúc mà nhiều bạn trẻ vẫn gọi là mất tinh thần, rất thường thấy trong cuộc sống hằng ngày. Kể cả những người có suy nghĩ tích cực, lạc quan vẫn thỉnh thoảng có những lúc tâm trạng như vậy.

Theo ThS Vân, trong học tập, công việc cũng như trong cuộc sống có những khó khăn, áp lực, cảm xúc nhàm chán dồn nén mà có thể chúng ta không nhận diện được. Chính điều này dẫn tới có những thời điểm, cảm xúc, tâm trạng của người mắc bỗng dưng chùng xuống, cảm thấy mệt mỏi, buồn chán, cuộc sống như vô nghĩa.

Bên cạnh đó, tình trạng này còn có thể xuất phát từ sự mất cân bằng trong cuộc sống như thức khuya liên tục, ăn uống không điều độ, làm việc quá nhiều.

PGS.TS Trần Văn Cường - chủ tịch Hội Tâm thần học VN - cho rằng nếu hiện tượng này chỉ kéo dài trong vài giờ, vài ngày thì người mắc không nên quá lo lắng vì đó chỉ là sự bất an về tâm thần hay rối loạn cảm xúc.

Mất tinh thần bệnh lý

Bác sĩ tâm lý y khoa - tâm thần kinh Lê Quốc Nam cho biết cảm giác chán nản, buồn bã có thể xuất hiện trong nhiều trạng thái bệnh lý khác nhau như bệnh lý tâm thần (thường gặp nhất là trong trạng thái trầm cảm, có thể xuất hiện đơn độc hay kết hợp với rối loạn lưỡng cực, rối loạn stress sau chấn thương, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, sa sút tâm thần...), bệnh lý thần kinh (tai biến mạch máu não, bệnh Parkinson...), bệnh lý nội khoa (suy nhược cơ thể nặng, suy giảm chức năng tuyến giáp...), sau một tình trạng căng thẳng hay cố gắng kéo dài như sau kỳ thi, sau một đợt làm việc căng thẳng...

“Nếu trạng thái mất tinh thần kéo dài 2 tuần trở lên (một trong những tiêu chuẩn thời gian để chẩn đoán rối loạn trầm cảm chủ yếu) kèm biểu hiện không muốn giao tiếp với mọi người xung quanh, ảnh hưởng xấu đến khả năng học hành, làm việc... thì sẽ có nguy cơ trầm cảm”, ông Nam cho hay.

Tình trạng “mất tinh thần” kéo dài trong hơn 2 tuần thì người mắc chứng này cần tìm gặp ngay các bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được tư vấn.

Hãy để tâm trí được nghỉ ngơi

Theo ông Cường, não người sẽ mệt mỏi nếu hoạt động liên tục từ 8-10 giờ, do vậy khi bị “mất tinh thần”, không nên cố gắng tiếp tục làm việc hay học tập vì khi đó bộ não cần được nghỉ ngơi.

ThS Cẩm Vân cho rằng nên để tâm trí và cơ thể được nghỉ ngơi bằng cách đi du lịch vài ngày hay đơn giản hơn là thư giãn, làm những gì mình thích để giải tỏa cảm xúc tiêu cực.

Nhiều người không dám dành cho mình một khoảng nghỉ ngơi ngắn, cần thiết vì sợ sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.

Mọi người không biết rằng ở thời điểm “mất tinh thần”, dù có cố gắng học, làm việc thì cũng không mang lại hiệu quả cao vì khả năng tập trung, chú ý, sự tiếp thu tại thời điểm đó của bộ não rất kém.

Nếu để cơ thể được nghỉ ngơi, thư giãn chỉ vài giờ bằng những hoạt động yêu thích thì sẽ giúp cơ thể tái tạo năng lượng, loại bỏ được những suy nghĩ buồn bã, cảm xúc lo âu.

Cũng có khi, người mất tinh thần đang bị mất phương hướng hoặc do có thói quen nhìn nhận các vấn đề tiêu cực, bi quan...

Và nhiều người dù biết nguyên nhân mất tinh thần là do áp lực công việc nhưng vẫn để mọi thứ trôi đi vì sợ thay đổi, ngại chia sẻ với đồng nghiệp hay với sếp, chấp nhận làm công việc mình cảm thấy không thoải mái trong thời gian dài cũng làm bệnh tăng nặng.

Khi nhận diện được vấn đề, người mắc trạng thái này nên biết mình phải làm gì để thay đổi suy nghĩ, thay đổi cảm xúc theo hướng tích cực.

Theo các chuyên gia y tế, ở trạng thái mất tinh thần, mọi người nên tham gia các CLB theo sở thích, năng khiếu, đồng thời thường xuyên hoạt động thể dục thể thao sẽ giúp giải tỏa cảm xúc tiêu cực, cân bằng cảm xúc.