Ngây ngất lễ hội bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng

Lễ hội bắn pháo hoa ở Đà Nẵng là sự kiện văn hoá du lịch tầm cỡ uốc tế được thành phố Đà Nẵng đăng cai tổ chức. Sự kiện có tính chuyên nghiệp cao với sự tham dự của các đội thi nổi tiếng bắn “lửa trên bầu trời” của thế giới, diễn ra 2 ngày 29 và 30/4 hàng năm.

 

“Sân chơi” trình diễn pháo hoa bám 2 bờ sông Hàn, mỗi năm có 1 chủ đề khác nhau. Với mỗi tối lễ hội, Đà Nẵng lại trở nên lung linh, với những tia lửa pháo hoa sáng rực rỡ, tạo cảnh tượng lộng lẫy thu hút khách du lịch. Những sự kiện và chương trình khác cũng được đưa ra trong dịp này, như đua thuyền truyền thống trên sông Hàn, trình diễn thuyền hoa, triễn lãm nghệ thuật, hoa đăng trên sông Hàn, giúp du khách tận hưởng không gian hấp dẫn những đêm trình diễn pháo hoa. Bạn sẽ cảm thấy luyến tiếc nếu du lịch Đà Nẵng mà không được tẫn hưởng các màn bắn pháo hoa này

Thành phố Đà Nẵng, thành phố trẻ năng động không những biết đến với tốc độ chỉnh trang đô thị, phát triển cơ sở hạ tầng nhanh mà còn được biết đến với những chiếc cầu độc đáo bắc qua sông Hàn, những điểm du lịch với 4 kỷ lục thế giới…và một lễ hội độc đáo trở thành thương hiệu riêng có của Đà Nẵng – Cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng.

Xuất phát từ ý tưởng tạo ra những hoạt động, sự kiện mang tầm quốc gia và quốc tế tại Đà Nẵng, góp phần xây dựng Đà Nẵng thành “Thành phố sự kiện”, UBND thành phố đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chọn là địa phương duy nhất trong cả nước tổ chức Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế (DIFC) thường niên. 

Qua 5 năm triển khai thực hiện, với kinh phí 100% xã hội hóa, DIFC đã trở thành thương hiệu của Đà Nẵng, thu hút sự chú ý của hàng trăm ngàn khán giả trong và ngoài nước, trở thành cú hích mạnh mẽ thúc đẩy phát triển du lịch và thu hút các nhà đầu tư. Thời gian tổ chức ban đầu được chọn đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Giải phóngĐà Nẵng (29/3) nhưng do có những bất lợi về thời tiết nên bắt đầu từ năm 2011 UBND thành phố đã quyết định chuyển sang thời điểm kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4) nhằm đảm bảo thời tiết thuận lợi và tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch trong dịp nghỉ lễ dài ngày. 

Sau 5 năm tổ chức, sự kiện đã thu hút một lượng du khách đến Đà Nẵng mỗi năm tăng mạnh, đặc biệt trong năm 2011 tăng gấp 3 lần so với năm 2010 (từ khoảng hơn 100.000 lượt người lên 300.000 lượt người), đồng thời thúc đẩy ngành du lịch, dịch vụ phát triển góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của thành phố. Quy mô và đẳng cấp của Cuộc thi ngày càng được nâng cao, xứng đáng là sự kiện trình diễn pháo hoa tầm cỡ và độc đáo. 

Thương hiệu DIFC ngày càng được quảng bá rộng rãi đến đông đảo công chúng. Nhiều công ty pháo hoa thế giới đã chủ động liên hệ để được tham gia sự kiện này. Để tạo điều kiện tốt nhất cho khách mời, người dân thưởng thức pháo hoa, từ chỗ không có khán đài (năm 2008), bắt đầu từ DIFC 2009 khán đài đã được lắp đặt nhưng chỉ với 6.000 chỗ ngồi. Đến năm 2012, quy mô khác đài xem pháo hoa được mở rộng lên trên 30.000 chỗ ngồi. Việc tăng quy mô khán đài qua từng năm đã đáp ứng được nhu cầu xem pháo hoa cho nhiều người và thuận lợi trong công tác an ninh, trật tự tại các cuộc thi. Công tác lắp đặt khán đài luôn được triển khai sớm, đúng tiến độ và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khán giả xem pháo hoa. 

Lễ hội bắn pháo hoa ở Đà Nẵng

Lễ hội bắn pháo hoa ở Đà Nẵng



Năm 2012, thành phố Đà Nẵng quyết định đổi tên Cuộc thi thành Cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng và sự kiện này trở nên đặc biệt hơn với sự tham dự của 4 đội vô địch những năm trước và sự góp mặt của đội chủ nhà Đà Nẵng – Việt Nam, khiến khán giả mãn nhãn với những màn trình diễn hoành tráng của những đại diện được xếp vào hàng anh tài của nghệ thuật pháo hoa quốc tế. 

Cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2013 với sự tham gia của 5 đội Nga, Ý, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Việt Nam và theo quyết định của Thành phố Đà Nẵng, sau năm 2013 sẽ tổ chức 2 năm một lần thay vì hàng năm như trước đây. 

Để đạt được kết quả như mong muốn, tất cả các ngành ngày càng nhận thức rõ vai trò, nhiệm vụ của mình trong việc tổ chức Cuộc thi, do đó, đã chủ động và tích cực triển khai các công việc theo phân công nhiệm vụ và đảm bảo đúng tiến độ đề ra. Một công việc hết sức quan trọng và đòi hỏi sự nghiêm ngặt nhất là việc vận chuyển, bảo quản, lắp đặt pháo. UBND thành phố đã chỉ đạo các ngành liên quan áp dụng các biện pháp an toàn tối đa trong quá trình áp tải pháo hoa của các đội, nhanh chóng triển khai lực lượng bảo vệ khi pháo về đến kho chứa. 

Các biện pháp an toàn tại khu vực bắn được triển khai dưới sự giám sát nghiêm ngặt, chặt chẽ của Nhà Tư vấn Global2000 International, thành lập đội ứng cứu khẩn cấp tại khu vực bắn trong 2 đêm thi để đảm bảo xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp. Vì vậy, trong 5 năm diễn ra Cuộc thi không xảy ra sự cố nào liên quan đến cháy, nổ. 

Với từng chủ đề khác nhau cho mỗi kỳ pháo hoa (Vũ điệu Tiên Sa, Âm vang sông Hàn, Huyền thoại sông Hàn, Sắc màu Đà Nẵng), các đội đã bám sát chủ đề và thiết kế những màn trình diễn hoành tráng cùng với những hiệu ứng âm thanh, nhạc nền tương thích tạo nên những màn trình diễn mãn nhãn, rực rỡ sức màu bên bờ sông Hàn. 

Cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng năm 2013 với chủ đề “Tình yêu sông Hàn”, được tổ chức vào hai đêm 29 và 30/4/2013 với sự tham gia của 5 đội: Nga(Trung tâm pháo hoa Khan), Italy (Công ty Parente), Nhật Bản (Công ty Marutamaya),Mỹ (Công ty Melrose Pyrotechnics) và đội chủ nhà Đà Nẵng (Việt Nam). Trong đó, cuộc hội ngộ bất ngờ tại DIFC 2013 được công chúng đón nhận và hứa hẹn những màn trình diễn pháo hoa tuyệt kỹ, lần đầu tiên góp mặt tại DIFC là hai đội đến từ Mỹ và Nga. 

Ông Antonio Parente, Giám đốc sáng tạo, Đội trưởng đội Ý cho biết: Đến với lần thi này, 5 thành viên đều rất hào hứng, chuẩn bị rất kỹ lưỡng để mang tới một màn diễn thành công hơn cả những lần thi trước. Chúng tôi sẽ diễn tả cảm xúc bằng pháo hoa và âm nhạc, để làm nên màn diễn thật đặc biệt, làm thổn thức trái tim của người xem. Nhạc giao hưởng, mang hơi hướng lãng mạn sẽ được sử dụng thay vì các bài hát có lời. Đoạn cuối sẽ rất mạnh mẽ, mang theo nhiều cảm hứng bất ngờ. 

Matt Peterson, Đội trưởng đội Mỹ tiết lộ: Chúng tôi sẽ mang đến một màn diễn với phần âm nhạc pha trộn nhiều phong cách và nhiều đoạn đỉnh cao. Được tranh tài với các hảo thủ đã là một vinh dự. Chúng tôi sẽ vào cuộc với tâm thế vui là chính, nhưng sẽ hạnh phúc hơn khi từ phía khán đài, Ban giám khảo xướng tên Melrose Pyrotechnics với ngôi vị quán quân. 

Ông Motoshiro Sonoda, tư vấn kỹ thuật của đội pháo hoa Nhật Bản cũng không ngần ngại cho biết: Chúng tôi sẽ phối hợp âm thanh và ánh sáng để tạo ra màn diễn thật đặc biệt. Về âm nhạc, đội Nhật sẽ pha trộn giữa tính truyền thống và hiện đại để diễn tả sự phát triển rất nhanh của thành phố Đà Nẵng. Chúng tôi sẽ sử dụng pháo hoa để vẽ nên hình ảnh con Rồng uốn lượn trên không, bởi cầu Rồng mới được xây dựng đã trở thành một trong những hình ảnh tiêu biểu của thành phố. Ngoài ra, chúng tôi còn có những bông hoa, ánh mặt trời… đầy màu sắc trong đêm. 

Ông Antonio Parente, Đội trưởng đội Ý có nhận xét: Đà Nẵng đã tổ chức rất tuyệt vời cho những lần trước, và việc chúng tôi quay lại đây là bằng chứng cụ thể nhất về sự chu đáo đó. Hy vọng, với kinh nghiệm tổ chức 5 lần pháo hoa thành công và sự chuẩn bị tỉ mỉ cho năm nay, DIFC 2013 sẽ không làm khán giả thất vọng.